Nghiên cứu của các nhà khoa học về loại tơ dính của loài trai giúp mở ra cánh cửa mới về loại vật liệu thay thế chỉ phẫu thuật.
Các nhà khoa học Mỹ đang nghiên cứu cách thức phát triển việc áp dụng loại tơ dính mà loài trai sử dụng để bám vào đá vào mục đích chữa bệnh sau khi phát hiện ra bí mật tạo nên sức mạnh của loại tơ này.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) tuyên bố họ đã phát hiện bí mật đằng sau độ dính của loại tơ mỏng của loài trai và hy vọng sẽ áp dụng công nghệ này vào các lĩnh vực như chữa gãy xương và đứt gân, thậm chí là thay thế chỉ phẫu thuật.
Loài trai với những sợi tơ nhỏ bám chặt vào đá
Nghiên cứu này được kỹ sư môi trường Zhao Qin thuộc MIT tiến hành. Theo ông Qin, những sợi tơ này được hình thành với một loại vật liệu mềm và co giãn tốt ở một đầu và một loại vật liệu khác cứng chắc hơn ở đầu kia.
Ông Qin cho biết: “Tuy có chức năng khác nhau nhưng những vật liệu này đều được hình thành từ loại protein rất giống với collagen, thành phần chính của xương, sụn, gân và da ở động vật có vú".
Theo nghiên cứu này, các loại protein tạo thành những sợi tơ này có hai loại: 80% là một loại protein hoạt động giống như sợi dây bungee đảm bảo tính bền chắc cho sợi tơ, còn 20% còn lại được hình thành từ loại protein mềm và co giãn.
Sự phối hợp này khiến cho sợi tơ có thể biến dạng mà không bị đứt, giúp cho con trai bám được vào đá. Trong tự nhiên, phần mềm và co giãn của sợi tơ gắn vào thân con trai, còn phần cứng chắc hơn bám chặt vào đá.
Phát hiện này có thể giúp chúng ta tìm ra cách ứng dụng loại vật liệu tổng hợp có cùng đặc điểm cũng như nghiên cứu sản xuất những loại keo dán mới.
Nhà nghiên cứu Zhao Qin nhận định: “Tôi nhìn thấy tiềm năng ứng dụng của vật liệu này vào việc chữa trị xương bị hủy hoại hoặc phẫu thuật nối các mạch máu, những hoạt động cần đến loại vật chất vừa linh hoạt vừa bền chắc. Khi đó 80% chiều dài sợi chỉ sẽ được làm bằng vật liệu cứng chắc, còn 20% còn lại là vật liệu mềm và co giãn hơn".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét