Lần gần nhất tôi trò chuyện với đạo diễn của Lưới trời là khi bộ phim truyền hình do anh dàn dựng: Xin thề anh nói thật đang nằm ở tâm điểm của sự chỉ trích từ một bộ phận khán giả và truyền thông. Đó cũng là bài phỏng vấn cuối cùng mà Phi Tiến Sơn muốn nói về “đứa con tinh thần” bị người ta gắn mác “thảm họa”.
Nay, bộ phim Đam mê của Phi Tiến Sơn sắp trình chiếu tại LHP Quốc tế Hà Nội, chúng tôi có cuộc trò chuyện với anh.
Đam mê “chạm” tới vấn đề của thời đại
* Gần 10 năm kể từ Lưới trời, đạo diễn Phi Tiến Sơn mới trở lại với phim điện ảnh. Lý do của sự im lặng này là gì vậy, thưa anh?
- Thực tình, rất khó để tìm ra một kịch bản ưng ý, vừa sâu sắc vừa hấp dẫn. Rất may có kịch bản của anh Nguyễn Mạnh Tuấn - cũng là người từng viết kịch bản Lưới trời. Tôi cảm thấy thích thú với kịch bản đó. May mắn nữa, kịch bản được duyệt và được Nhà nước tài trợ.
Cảnh trong phim Đam mê |
* Đam mê - một chủ đề có vẻ trừu tượng - gây cho anh sự hứng thú gì?
- Đưa đam mê của con người lên bàn cân đã là hứng thú rồi. Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn có biệt tài phát hiện và khai thác những điểm nóng.
Chuyện kể trong một gia đình, mỗi người có một niềm đam mê. Ông bố thì đam mê nuôi hổ, đam mê chinh phục, thuần phục đàn hổ. Cậu con trai cả thì đam mê kinh doanh và mở rộng các mối quan hệ. Trong khi đó, cô con gái mê nghề người mẫu. Họ đều tìm cách khẳng định đam mê của mình và thậm chí họ còn sử dụng những thủ đoạn để ngăn cản đam mê của người khác.
Về bản chất, đam mê là đề cập đến phạm trù cá nhân. Nói đến đam mê là nói đến cái “tôi”. Bộ phim chạm đến vấn đề lớn nhất của thời đại này là vấn đề con người.
Đam mê tiếp tục được thực hiện bởi một ê-kíp quen thuộc: Hãng phim truyện I sản xuất, kịch bản: Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn: Phi Tiến Sơn, diễn viên Kim Khánh (từng đóng vai nữ chính trong phim Lưới trời ) và dàn diễn viên: Trung Dũng, Hứa Vĩ Văn, Trương Tri Trúc Diễm, Kim Hiền, Quý Bình... |
* Dàn diễn viên của Đam mê, ngoài diễn viên Kim Khánh - một tên tuổi đã cũ - còn có rất nhiều tên tuổi mới như: người mẫu Trương Tri Trúc Diễm, ca sĩ Hứa Vĩ Văn... Chọn những cái tên này có phải là để dễ dàng PR cho bộ phim?
- Vấn đề là hợp với vai diễn. Tôi cám ơn dàn diễn viên. Họ đã rất tâm huyết để khắc họa nên những tính cách phức tạp.
* Có cảnh nào mà Trúc Diễm phải quay đi quay lại nhiều lần không?
- Lại chuyện người mẫu đóng phim! Điều đầu tiên là họ không được đào tạo. Thứ hai, bản thân các người mẫu trước hết không phải là những gương mặt dành cho điện ảnh. Ở đây là trường hợp đặc biệt: Trương Tri Trúc Diễm đóng chính mình, đó là một lợi thế lớn. Đây là một cô gái thông minh, có học và có khả năng tập trung tốt. Còn việc quay đi quay lại nhiều lần là bình thường với mọi diễn viên. Những diễn viên giỏi cũng muốn diễn lại để được sáng tạo thêm.
* Câu hỏi hơi tế nhị một chút. Thời điểm bộ phim Xin thề anh nói thật ở trong “tâm bão” của những mổ xẻ và búa rìu dư luận. Ngay thời điểm đen tối nhất thì anh có nghĩ đến bộ phim tiếp theo của mình không?
- Đây là phim hài, giải trí và được nhiều khán giả thích. Ở thời điểm đó một số tờ báo cần ví dụ để chứng minh phim truyền hình “giải trí” nhiều quá nên đưa nó vào “tâm bão”. Phim Đam mê cũng có thể lại rơi vào “tâm bão” khác nếu người ta cần đưa ra thông điệp: lúc này cần tập trung vượt qua khủng hoảng kinh tế hơn là đam mê!
Đạo diễn Phi Tiến Sơn (trái) đang chỉ đạo diễn xuất |
Thua lớn nhất là thua về văn hóa
* Đúng như anh nói, vấn đề con người đang được đặt lên hàng đầu. Một bộ phim sắp được trình chiếu tại LHP Quốc tế Hà Nội: We Need To Talk About Kevin của Anh mang một thông điệp về con người rất rõ ràng. Trong khi đó, trong những bộ phim của Việt Nam, thông điệp về con người có phần hơi mơ hồ. Anh suy nghĩ thế nào về vấn đề này?
- Chúng ta có những nguyên nhân và đặc biệt là do chiến tranh, nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt kế tiếp nhau. Trong chiến tranh, vận mệnh dân tộc là trên hết, cái chung lấn át cái riêng. Thân phận con người luôn ở hàng thứ yếu. Thêm vào đó niềm tự hào quá mức dẫn đến ngộ nhận Việt Nam là trung tâm thế giới. Tư duy ấy kéo dài nhiều năm sau cuộc chiến và trở thành thói quen.
Với thói quen đó, với cách nhìn đó, văn học nghệ thuật của chúng ta chỉ đề cập đến chuyện riêng của chúng ra, rất ít khả năng vươn đến tầm quốc tế. Trong khi đó từ lâu thế giới đã quan tâm đến những vấn đề rất lớn khác như phát triển bền vững, vấn đề môi trường… nhưng cao hơn cả, vẫn là vấn đề con người. Con người ở đây là nhân phẩm, đạo đức, tự do, trí tuệ, lòng dũng cảm… Mà khi giá trị con người được khẳng định thì nó làm rõ ràng tất cả các giá trị còn lại.
* Phim ngoại, từ Mỹ, Hàn, Trung Quốc, đến Thái Lan đang chiếm lĩnh rạp chiếu. Trước những đối thủ đáng gờm như vậy, anh có nghĩ điện ảnh Việt đang bị lép vế?
- Chúng ta có lợi thế sân nhà. Câu chuyện Việt, ngôi sao Việt, tiếng khóc và nụ cười Việt vẫn thu hút được một bộ phận khán giả. Nhiều bộ phim nội doanh thu không kém gì phim “bom tấn” nước ngoài. Nhưng đó có phải là niềm tự hào không? Về mặt thương mại, phim nước ngoài vào ta là sự tận thu, là thêm nếm. Còn phim của ta thu thế là hết, không ra khỏi biên giới, thậm chí không ra khỏi mấy thành phố lớn. Đó là lý do mà nhà sản xuất Việt Nam chỉ dám làm phim giá rẻ.
Nhưng cái thua lớn nhất là cái thua văn hóa. Đứa con điện ảnh chưa đủ sức, đủ tầm cõng bà mẹ văn hóa Việt ra khỏi biên giới.
* Anh là người gắn bó với điện ảnh Nhà nước từ hàng chục năm nay, các phim điện ảnh của anh đều làm từ nguồn tiền của Nhà nước. Vậy xin hỏi anh, cho đến nay, anh suy nghĩ thế nào về số phận của điện ảnh Nhà nước khi mà nhiều người đang lo lắng rằng: Điện ảnh Nhà nước đang đi đến đáy?
- Đôi khi ở “dưới đáy” người ta mới cảm nhận được nỗi đau, sự thông cảm nhân quần sâu sắc hơn, quan tâm đến vấn đề con người hơn. Điện ảnh Nhà nước và một số nhà điện ảnh độc lập không làm điều đó thì ai làm? Hay chờ đợi ở dòng phim thương mại?
* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Hà Chi (thực hiện)
Xem thêm: làm sao để chọn được iphone xịn
Nguồn: thethaovanhoa.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét