Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Những chương trình vũ khí tuyệt mật của quân đội Mỹ

Hàng năm, Lầu Năm Góc “tiêu xài” hết 10 tỉ USD! Phóng tay “ném tiền qua cửa sổ” là những nhà hoạch định kế hoạch của quân đội Mỹ đã dành số tiền đó vào việc âm thầm phát triển những vũ khí tinh xảo và chi cho những chiến dịch ngầm.

TacSat-3 được trang bị hệ thống cảm biến siêu quang phổ bắt được bức xạ điện từ có thể phát hiện quả bom giấu ở ven đường trên trái đất.

Năm 2011, khoản tiền có thể gọi là "quỹ đen" này còn phình ra khủng khiếp hơn so với năm 1987 của thời Chiến tranh lạnh, khi mà Tổ chức giám sát quỹ đen CSBA (Trung tâm đánh giá ngân sách và chiến lược) bắt đầu thu thập những con số xác thực. Tổng chi phí hiện nay gây choáng váng bất cứ ai: 58 tỉ USD - số tiền đủ để trả cho toàn bộ 2 dự án bom nguyên tử Manhattan! Người ta sẽ thắc mắc: số tiền này đi đâu?

Sự thay đổi chiến lược

Theo Todd Harrison, nhà phân tích ở CSBA, các khoản chi cho những chiến dịch bí mật trong Ngân sách liên bang năm 2011 bao gồm 19,4 tỉ USD cho nghiên cứu và phát triển dành cho mọi lĩnh vực của quân đội (tài trợ cho CIA - bao gồm những chiến dịch tấn công bằng máy bay không người lái (drone) ở Afghanistan và Pakistan - nằm trong quỹ đen của Bộ Quốc phòng), 16,9 tỉ USD khác cấp cho hoạt động thu mua; và 14,6 tỉ USD cho "những chiến dịch và sự duy trì".

Theo Harrison, hạng mục sau cùng này ngốn tiền rất nhanh. Thực tế cho thấy nhiều công nghệ tuyệt mật hiện đang di chuyển từ phòng thí nghiệm đến chiến trường. Thực ra, sau sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001, Lầu Năm Góc bắt đầu chuyển từ Chiến tranh lạnh sang kỷ nguyên của "chiến lược 2 cuộc chiến", tức là duy trì khả năng tiến hành đồng loạt 2 chiến dịch quân sự trọng yếu và bắt đầu tập trung vào cuộc chiến tranh không theo quy luật chống các cá nhân và các tổ chức.

Sự thay đổi chiến lược xảy ra đồng thời với sự thay đổi về đầu tư - bỏ qua công nghệ cho phép mở cuộc chiến quy mô lớn chống các siêu cường để hướng đến công nghệ giúp cho những nhà lập kế hoạch của quân đội săn tìm và diệt các mục tiêu. Giới quan chức Lầu Năm Góc công khai tuyên bố ước muốn của họ là sử dụng công nghệ cao để "giảm bớt thời gian tìm và diệt" trong những tình huống liên quan đến "các mục tiêu nhạy cảm về thời gian". Lãnh đạo của Bộ Chỉ huy tác chiến đặc biệt (JSOC) nói đến "kỹ thuật săn người công nghệ cao", còn quan chức không quân mô tả là “sự rút ngắn chuỗi tiêu diệt".

Lầu Năm Góc hiện đang phát triển những chiếc drone cực nhỏ (micro-drone) được thiết kế để điều tra những khu vực nguy hiểm khó tiếp cận. Thời gian qua, tờ Washington Post đã đưa tin CIA sử dụng những chiếc micro-drone nhỏ để săn lùng những phần tử cực đoan ở Pakistan. Và trong năm 2010, Lầu Năm Góc có Dự án Anubis - loại micro-drone do Viện nghiên cứu Không lực Mỹ phát triển. Những chiếc micro-drone như thế này trong tương lai được coi là vô cùng nguy hiểm bởi vì chúng được trang bị vũ khí hóa học và thậm chí chất nổ có khả năng tấn công mục tiêu chính xác. Loại micro-drone này có thể phát hiện và tiêu diệt một sát thủ bắn tỉa.

Chiếc máy bay do thám không người lái RQ-170 Sentinel của Lockheed Martin.

Dự án Anubis (tên gọi được đặt theo vị thần của người chết Anubis của Ai Cập cổ đại) hiện đang hoàn thành, có nghĩa là nó sắp có mặt trên chiến trường trong nay mai. Lầu Năm Góc còn có ít nhất một chương trình nghiên cứu ưu tiên cao - đó là "The Clandestine Tagging, Tracking and Locating Initiative" (viết tắt cả hai là CTTL and TTL) vốn được phác thảo từ năm 2003. Chương trình dự kiến tiêu tốn khoảng 210 triệu USD trong quỹ bí mật giữa các năm 2008 và 2013, nhưng có thể nhận được tài trợ nhiều hơn nữa từ quỹ đen. Một quan chức Ủy ban  khoa học  quốc phòng, một ủy ban dân sự cố vấn cho Lầu Năm Góc còn nói thêm rằng "giá cả không thành vấn đề"!

Những vũ khí tuyệt mật của quân đội Mỹ

Tham vọng giám sát chiến trường của Lầu Năm Góc không dừng lại ở những chiếc drone. Mục đích khác là hệ thống vệ tinh do thám có thể được phóng trong vòng vài ngày theo yêu cầu. Những vệ tinh này có ít nhất 2 lợi thế đáng kể so với những chiếc drone - chúng có thể lưu lại giữa không trung 365 ngày một năm và không phải lo lắng gì về vấn đề không phận quốc tế. Tiến hành theo dõi từ vệ tinh này đòi hỏi công nghệ hình ảnh cao tương tự như vệ tinh thử nghiệm TacSat-3 được Không quân Mỹ phóng trong năm 2009.

TacSat-3 được trang bị hệ thống cảm biến siêu quang phổ bắt được bức xạ điện từ có thể phát hiện thấy quả bom giấu ở ven đường trên trái đất. Đây là bước đầu hướng đến những vệ tinh có khả năng tìm và xác định mục tiêu con người. Lầu Năm Góc còn tốn hàng tỉ USD để phát triển những vũ khí có thể giải giáp hay làm bất lực con người, như dự án CHAMP - một nỗ lực phát triển vũ khí vi sóng lắp trên drone để thiêu cháy kẻ thù bằng điện tử. Ví dụ khác là Active Denial System, vũ khí lắp trên xe sử dụng vi sóng để đốt cháy da kẻ thù.

Voxtel, một công ty tư nhân ở Oregon, giới thiệu sản phẩm gọi là NightMarks - loại tinh thể nano thấy được bằng kính nhìn ban đêm và có thể giấu trong bất cứ thứ gì từ nước rửa kiếng cho đến mỡ bôi trơn. Có lẽ đề xuất đánh dấu mục tiêu tinh vi nhất là "bụi thông minh" - đó là những đám mây "bụi" là những bộ cảm biến cơ điện cực nhỏ có thể dán dính vào con người hay xe cộ. Hàng ngàn bộ vi cảm biến như thế này được rải cùng một lúc để tăng cơ hội ít nhất là một trong số chúng bám được mục tiêu.

Chương trình "Prompt Global Strike" - PGS (Tấn công chớp nhoáng toàn cầu).

Kris Pister, giáo sư Đại học California ở Berkeley - người nhận được tài trợ từ DARPA, Cơ quan nghiên cứu và phát triển trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ - cách đây hơn một thập niên đã nghiên cứu "bụi thông minh" và có thể tạo ra những bộ vi cảm biến nhỏ cỡ hạt gạo! Vào thời điểm bắt đầu nghiên cứu, giáo sư Kris Pister và đồng nghiệp hình dung loại "quả gai thông minh" có thể dính chặt vào người mục tiêu khi lướt qua người này, hay loại "bọ thông minh" có thể nhảy xổ vào mục tiêu. Nhưng Kris Pister nói: loại vi cảm biến tự hành này có lẽ còn chưa thực hiện được.

Người ta cho là cũng rất có thể tình báo Mỹ cố gắng phóng đại những công nghệ đánh dấu, theo dõi và tiêu diệt nhằm dọa dẫm kẻ thù. Nhưng có bằng chứng cho thấy Lầu Năm Góc đã cho triển khai công nghệ theo dõi cực kỳ tinh xảo. Năm 2009, tờ Guardian của Anh đưa tin: CIA đã trao cho những thành viên bộ tộc Pakistan những con "chip" cắm vào trong nhà của những tên phiến loạn để sau đó những chiếc drone nhận ra mà tấn công tiêu diệt. Một thông tin sau đó của NBC News cũng tiếp tục tiết lộ việc một thành viên bộ tộc Pakistan thừa nhận đã cắm những con chip cực nhỏ như thế để đổi lấy những đồng USD từ phía tình báo Mỹ.

"Chương trình tấn công chớp nhoáng toàn cầu"

Lầu Năm Góc gọi đây là chương trình "Prompt Global Strike" - PGS (Tấn công chớp nhoáng toàn cầu). Nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates thừa nhận Mỹ đã có được khả năng này: "Ngoài vũ khí hạt nhân răn đe ngày nay, chúng tôi còn có vài thứ mà trước đây ở thời đối đầu với Liên Xô chúng tôi không có. Về mặt công nghệ, khả năng tấn công chính xác trong vòng 1 giờ không có gì là phi thường. Khi rời khỏi khí quyển trái đất và du hành với tốc độ 15.000 dặm/giờ (24.140,16 km/giờ), một quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có thể chạm đến bất cứ mục tiêu nào trên thế giới trong vòng 30 phút.

Nhưng trên thực tế không đơn giản như vậy. Hệ thống quốc phòng của nước Nga được thiết kế đặc biệt để ngay lập tức dò thấy một ICBM được phóng đi tại bất cứ điểm nào trên thế giới và Chính phủ Nga chỉ mất khoảng vài phút để quyết định có nên trả đũa hay không. Do đó, trong khi hiện nay Washington và Moskva chưa tìm được cách nào để phân biệt ICBM thông thường với tên lửa mang đầu đạn hạt nhân thì việc bắn một ICBM đến Afghanistan với mục đích giết chết dù chỉ một người cũng có thể gây nên một cuộc chiến tranh hạt nhân!

X-51 WaveRider của Không quân Mỹ, sử dụng động cơ phản lực tĩnh siêu âm đạt đến tốc độ Mach 6.

Một giải pháp khác thay thế cho ICBM là vũ khí siêu thanh - tên lửa hành trình có khả năng du hành ở tốc độ nhiều lần âm thanh, nhanh hơn bất cứ vũ khí quy ước nào hiện nay. Những tên lửa này không phải rời khỏi khí quyển trái đất và có đường đạn rất khác với ICBM thế nên Nga khó thể lầm chúng với vũ khí hạt nhân. Lầu Năm Góc đã chú ý đến hai ứng viên không phải là ICBM cho chương trình PGS - một từ quân đội và một từ DARPA. Cả hai vũ khí này sẽ được phóng vào khí quyển từ rocket và sau đó chúng quay trở lại trái đất với tốc độ siêu thanh.

Ngoài những lựa chọn chính thức cho PGS, Lầu Năm Góc đang nỗ lực tiến hành nghiên cứu ít nhất 3 loại vũ khí siêu thanh và cận siêu thanh. Thứ nhất, X-51 WaveRider của không quân, sử dụng động cơ phản lực tĩnh siêu âm đạt đến tốc độ Mach 6. Thứ hai là dự án Lựa chọn cách mạng cho tấn công tầm xa chớp nhoáng (gọi tắt là dự án RATTLRS) của hải quân. Và cuối cùng là HyFly, máy bay phản lực khoang đốt đôi, do DARPA tài trợ. Tuy nhiên, có luồng dư luận cho rằng, những chương trình siêu thanh công khai của quân đội Mỹ chỉ nhằm che đậy cho chương trình bí mật gì đó mà thôi


Xem thêm: làm sao để chọn được iphone  xịn

Nguồn: antg.cand.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét