Bắt kẻ trộm từ tính năng của điện thoại
Rạng sáng ngày 16-9-2012, chủ cửa hàng điện thoại apple 360o là Bùi Văn Lục (số 126 đường Ngô Quyền, P.5 Q 10 - TP Hồ Chí Minh) phát hiện bị mất trộm 7 chiếc điện thoại di động hiệu iphone , HTC, 6 máy nghe nhạc Ipod, 1 máy tính xách tay và 26,8 triệu đồng. Ngay lập tức, khổ chủ trình báo vụ việc tới cơ quan chức năng, song đồng thời anh Lục cho người bật máy tính để dò theo thiết bị định vị của điện thoại Iphone mà kẻ trộm đã mang đi. Khi phát hiện thấy chấm tín hiệu đỏ phát ra từ điện thoại của mình bị mất, anh đã điều động 5 nhân viên mang theo máy tính xách tay gắn thiết bị truy cập mạng Internet bằng 3G di chuyển bằng xe máy để lần theo tín hiệu, đồng thời báo Cảnh sát 113 cùng hỗ trợ truy bắt kẻ trộm. Khi đến gần một cửa hàng điện bán điện thoại, anh Lục phát hiện chấm đỏ trên màn hình máy tính phát ra từ một người thanh niên đang gạ bán nhiều điện thoại di động. Ngay lập tức anh cùng cảnh sát 113 khống chế đối tượng. Kiểm tra trong người, đã thu giữ 3 điện thoại di động Iphone (trong đó có một chiếc ĐT di động phát tín hiệu định vị), 1 chiếc điện thoại di động hiệu HTC và 3 máy nghe nhạc Ipod. Tại cơ quan công an, đối tượng này khai nhận đây chính là một phần tài sản mà anh Lục đã bị mất.
Trước đó, ngày 11-8-2012, Công an phường Thành Công (Ba Đình - Hà Nội) nhận được trình báo của chị Hà (Ba Đình, Hà Nội) về việc chị bị kẻ gian cậy cốp xe tại phố Hoàng Ngọc Phách (phường Láng Hạ) lấy mất chiếc túi xách bên trong có gần 60 triệu đồng cùng điện thoại Iphone 4S. Theo lời của chị Hà, chiếc điện thoại Iphone của chị có dùng hệ thống định vị toàn cầu. Từ thông tin cung cấp của chị Hà, các trinh sát công an phường Thành Công xác định được dấu hiệu của chiếc điện thoại đang di chuyển chậm trên đường Đê La Thành. Lần theo dấu vết, các trinh sát phát hiện một người phụ nữ trung niên có dáng vẻ bất minh phù hợp với địa điểm các tín hiệu định vị phát ra từ chiếc điện thoại di động. Tiến hành kiểm tra hành chính, phát hiện trong túi xách của người phụ nữ này tang vật của vụ trộm cùng chiếc điện thoại Iphone mà thị vừa thực hiện trước đó với chị Hà.
Không may mắn như trường hợp trên, anh Việt (phố Hàng Mã - Hà Nội) đã bị kẻ gian móc mất chiếc điện thoại Iphone 4S. Đối tượng sau khi móc được chiếc điện thoại của anh Việt đã đem máy ra dùng thử, tuy nhiên do nhập sai mật khẩu nên hình ảnh của kẻ trộm đã bị chiếc điện thoại ghi lại và gửi hình ảnh về hòm thử điện tử của vợ anh Việt. Nhờ chức năng định vị, anh đã theo dõi đối tượng tới khu vực phố Hàng Rươi thì bị mất dấu, khoảng 3h sáng ngày hôm đó, chiếc điện thoại của anh đã được bật lại và lắp sim khác. Số điện thoại này lập tức được gửi về điện thoại của vợ anh. Tuy nhiên, khi gọi lên tổng đài thì điện thoại viên cho biết, đây là sim trả trước nên không xác định được chủ nhân. Anh Việt chỉ còn cách đem hình ảnh của tên trộm tới trình báo với cơ quan công an. Thực tế, đã có nhiều người sử dụng điện thoại martphone bị kẻ gian lấy trộm, tuy không tìm lại được tài sản đã mất nhưng nhờ có những phần mềm ứng dụng đã cài sẵn trong điện thoại mà có thể nhận mặt được kẻ gian đã lấy cắp đồ vật của mình và trình báo với cơ quan công an.
Có thể bị lợi dụng để theo dõi
Hiện nay có rất nhiều phần mềm bảo mật chuyên chống trộm (hoặc có tính năng chống trộm) cho người dùng smartphone lựa chọn như: Mobile Me, Lookout Mobile Security (dùng cho iPhone, ipad 3G), HTCSense.com (điện thoại HTC), BlackBerry Protect (BlackBerry), Find myphone, Mobile Defense… Với các thiết bị của hãng Apple như iPad hay iPhone, người sử dụng chỉ cần có một tài khoản (Apple ID) để đăng nhập vào Apple Store hay iCloud. Sau khi đã thiết lập tài khoản này có thể tải về điện thoại các tính năng (như Find my iPhone, Google Latitude…) giúp xác định được vị trí của chiếc điện thoại đó. Còn với các dòng máy điện thoại sử dụng nền tàng Android muốn dùng tính năng chống trộm phải chọn các phần mềm bảo mật hay diệt virut có tính phí, song bù lại sẽ được hỗ trợ nhiều hơn như: xóa bỏ thông tin cá nhân và các dữ liệu tùy chọn lưu trong máy (Data Wipe), thông báo số điện thoại vừa lắp đặt vào máy (Sim Watch), thông báo vị trí hiện thời của thiết bị qua định vị GPS…
Có thể nhận thấy, tính năng của các phần mềm này ban đầu được xây dựng với ý đồ để quản lý và bảo vệ thiết bị của người dùng. Tuy nhiên sau đó nó đã biến tướng thành những hình thức khác nhau. Phổ biến nhất là việc dùng để theo dõi người thân, xuất phát từ những nghi ngờ, mâu thuẫn trong gia đình. Đã có rất nhiều chuyện dở khóc, dở cười xung quanh việc sử dụng “nhầm” tính năng định vị của những điện thoại. Những người được tặng chiếc điện thoại smarthphone sành điệu, vô tư sử dụng mà không hề hay biết rằng nó đã được cài sẵn các phần mềm định vị, theo dõi. Với những mánh khóe này, có những ông chồng, bà vợ có thể bắt quả tang việc một nửa của mình đang “vui vẻ” với bồ bịch hoặc chặn đứng được việc “chém ẩu” qua điện thoại. Những chiếc smartphone giờ đây trở thành vật chứng bất đắc dĩ trong những phi vụ đánh ghen đầy bi hài và những chiếc điện thoại còn nguy hiểm hơn rất nhiều so với việc thuê thám tử hay các công ty theo dõi.
Phần mềm gián điệp
“Đỉnh cao” của việc theo theo dõi là khi điện thoại của bạn có thể bị cài đặt phần mềm gián điệp có tên gọi Copyphone hay Spyphone. Sau khi cài phần mềm này, mọi hoạt động của chiếc điện thoại bị cài đặt sẽ được sao lưu và chuyển về người quản lý. Tất nhiên, chủ nhân của chiếc điện thoại bị cài đặt phần mềm sẽ không hề hay biết mình đang bị theo dõi. Chỉ mất khoảng từ 15 đến 20 phút tùy theo từng dòng máy, kỹ thuật viên đã có thể cài đặt phần mềm gián điệp điện thoại. Phần mềm này sẽ đọc nội dung tin nhắn, nghe trực tiếp cuộc đàm thoại, định vị GPS và thậm chí có thể nghe môi trường âm thanh xung quanh (Chức năng nghe môi trường xung quanh này rất đặc biệt ở chỗ, nếu dùng một điện thoại quản lý gọi tới máy mục tiêu nhưng nó không rung, không reo. Do đó chủ nhân không hề hay biết mình đang bị theo dõi). Theo một kỹ thuật viên, một khi đã cài phần mềm gián điệp này vào máy điện thoại mục tiêu thì có thể có được tất cả các thông tin ra vào từ điện thoại đó mà không cần phải cầm nó trên tay. Hiện nay có rất nhiều website bán trực tuyến những phần mềm theo dõi kiểu này. Đối tượng mua phần mềm này chủ yếu là vợ, chồng nghi ngờ nhau, hoặc để cho biếu tặng nhưng mục đích là cài sẵn phần mềm để… theo dõi. Phần mềm này gần như có thể được cài đặt dễ dàng trên các dòng điện thoại thông minh như Nokia, HTC, Samsung, iPhone, BlackBerry… với các hệ điều hành tương thích cho IOS, Android, Symbian, Windows Phone..
Vi phạm phạm pháp luật
Công nghệ theo dõi sử dụng trên các smarthphone hiện nay rất tiện dụng cho người dùng trong các tình huống bị mất máy hay để thất lạc ngoài ý muốn. Tuy nhiên việc sử dụng các tính năng này để nhằm mục đích theo dõi người khác hoặc lợi dụng các tính năng đa dạng đó xâm nhập, cài đặt các phần mềm vào điện thoại của người khác nhằm lén lút theo dõi, quản lý, thu thập thông tin cá nhân của người đó thì lại có thể vi phạm về mặt pháp luật.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Dương, Văn phòng Luật sư Dương và các cộng sự, về khía cạnh pháp luật, nếu như không được sự đồng ý của chủ sở hữu điện thoại thì việc cài đặt, theo dõi như vậy là xâm phạm quyền được tôn trọng và bảo vệ về bí mật đời tư của cá nhân được quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự. Theo đó, người vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi “tiết lộ, mua bán hoặc trao đổi trái phép nội dung thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông” với mức phạt từ mười triệu đến năm mươi triệu đồng. Nghiêm trọng hơn, hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác còn cấu thành tội phạm theo Điều 125 BLHS và bị xử lý bằng pháp luật hình sự nếu thỏa mãn các yếu tố như: có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác (như nghe trộm, ghi âm trộm các cuộc điện thoại...).
Tuy nhiên, luật sư Dương cho rằng, một điểm khó khăn là hiện tại pháp luật Việt Nam mới chỉ quy định về quyền được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ bí mật đời tư của cá nhân chứ chưa có văn bản quy định thế nào là “đời tư”, “bí mật đời tư”, chưa có quy định về xử lý hành chính hoặc kỷ luật đối với hành vi xâm phạm bí mật đời tư. Do đó, trên thực tế nhiều “khổ chủ” hoặc các cơ quan có thẩm quyền gặp khó khăn trong việc đưa ra hình thức xử lý hành chính, kỷ luật đối với hành vi xâm phạm bí mật đời tư để làm căn cứ xử lý hình sự.
Vì vậy, để tránh việc điện thoại bị cài phần mềm nghe lén nhằm sử dụng vào mục đích xấu, các chuyên gia về công nghệ thông tin khuyên rằng khi sửa chữa điện thoại hoặc cài phần mềm, khách hàng cần đến những trung tâm chính hãng, không cài hoặc nhận những phần mềm của hãng khác, thường xuyên nhờ chuyên viên bảo mật kiểm tra các phần mềm chạy ngầm trong điện thoại, có thể cài thêm những phần mềm bảo vệ, ngăn chặn để điện thoại không bị cài thiết bị nghe lén. Đặc biệt đối với những người mà công việc của họ có liên quan đến những thông tin bí mật thì cần hết sức cảnh giác với việc “bỗng nhiên” được biếu tặng một chiếc điện thoại thông minh.
Thu Huệ
Xem thêm: làm sao để chọn được iphone xịn
Nguồn: www.anninhthudo.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét