Nhân vật Thiên Quốc do Hòa Hiệp thủ diễn, là chàng trai bị bệnh tim bẩm sinh, bị thất lạc gia đình phải sống với mẹ nuôi. Nhưng khi vừa tìm gặp cha ruột, được cha chuẩn bị cho đi nước ngoài chữa bệnh thì anh không qua khỏi. Các “comment” của khán giả gửi về đều nói họ không thích thấy “chàng mắt hí” Hòa Hiệp… chết, dù là trên phim. Nhân vật của Hòa Hiệp dù phải trải qua bao nhiêu bi kịch, éo le vẫn luôn phải có cái kết “có hậu” vui vẻ như Đăng Khôi trong Cô nàng bướng bỉnh, Hòa trong Lối sống sai lầm hoặc cùng lắm như Vỹ trong Cổng mặt trời. Nhận được những lời “phiền trách” này, Hòa Hiệp miệng cười mà nước mắt rưng rưng. Những tình cảm thân thương đó chính là sự kết tinh của những nhọc nhằn và một ý chí nỗ lực vươn lên không ngừng của một người con luôn mang mặc cảm “cãi lời” cha mẹ để đi theo nghệ thuật như anh trong suốt hơn 10 năm qua.
Gia đình của Hòa Hiệp là một gia đình có “truyền thống” làm công nhân Cảng Sài Gòn. Cả cha, mẹ lẫn các chị đều có thâm niên làm việc tại đây. Đến khi cậu con trai duy nhất vừa kết thúc bậc trung học phổ thông và thi đậu vào khoa Kinh tế vận tải biển Đại học Hàng hải, cả nhà đều đinh ninh sẽ lại có thêm một thành viên kế thừa, góp sức xây dựng nơi đã từng đem lại cho gia đình một cuộc sống ổn định. Thế nhưng, khi mọi người phát hiện có giấy báo trúng tuyển, và đích thân cha dẫn con trai đến trường đăng ký học thì mới hay, đã trễ mất hai tháng. Lúc đó, Hòa Hiệp mới thú thật, vì thi đậu và chọn học Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh nên đã giấu nhẹm giấy báo của trường Hàng hải. Biết cha mẹ rất buồn, Hòa Hiệp xin phép được theo học sân khấu trong ba năm, nếu không theo được nghề sẽ thi lại trường Hàng hải, vì khi ấy, tuổi anh vẫn chỉ mới 22, 23.
Để chứng minh con đường mình chọn là đúng, theo nghệ thuật không phải vì ham chơi, trong suốt ba năm học, Hòa Hiệp đã nỗ lực, cố tận dụng hết mọi cơ hội. Đầu năm thứ hai, anh được thầy Đức Hải phân cho một vai trong vở kịch thiếu nhi Harry Potter. Vở kịch thắng lớn về doanh thu khi diễn ở Nhà hát Bến Thành (TP.HCM) lẫn ở Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội. Hòa Hiệp háo hức khi lần đầu tiên mời mẹ đi coi như một cách “báo cáo thành tích”, nhưng xem xong, nghe mẹ hỏi: “Ủa, xuất hiện vậy thôi hả?” anh thấy thót tim. Lại nỗ lực tiếp. Lần thứ hai, có mặt trong vở kịch Thông điệp xanh (ĐD Trần Ngọc Giàu) với vai người kiểm lâm, Hòa Hiệp lại mời mẹ đi coi. Lần này, mẹ anh cũng buồn buồn: “Diễn còn hơi cứng, chưa có gì xuất sắc!”. Khi may mắn được chọn đóng vai một anh bộ đội trong phim Vòng xoay số phận (bốn tập) lồng tiếng Bắc, mẹ anh nói: “Trời ơi, sao mặt con gầy hóp, răng cỏ lởm chởm, không ăn ảnh, nhìn xấu quá làm sao làm diễn viên được!”. Nói vậy nhưng rồi mẹ lại bóp bụng mở hầu bao, lấy tiền dành dụm cho con trai đi niềng răng. Khi nghe tin con trai phải qua một vòng thi tuyển gắt gao mới lọt được vào trong số sáu diễn viên trong vở kịch Phiên tòa (ĐD Trần Ngọc Giàu) đi tham dự Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế tại Hà Nội, cha mẹ của Hòa Hiệp rất vui. Mặc dù, vai diễn của con trai cũng như của các bạn khác đều đồng loạt bị chìm khuất trong những mảng miếng thử nghiệm về dàn dựng của đạo diễn, nhưng hai đấng sinh thành vẫn thấy việc được chọn ra thủ đô thi là vinh dự nên dặn dò con trai phải cố gắng hết mình. Phải đến năm học cuối, là một trong ba người được chọn đóng vai Khuất Nguyên trong vở kịch tốt nghiệp cùng tên, Hòa Hiệp mới thực sự làm cho mẹ hài lòng. Hôm đó, mẹ anh đi cùng một số họ hàng, ngồi nghe khán giả chung quanh khen ngợi con trai mình, xong vở, bà liền ghé tiệm kim hoàn mua thưởng cho con trai một sợi dây chuyền vàng.
Vừa ra trường, Hòa Hiệp đã được ĐD Nguyễn Minh Chung mời vào vai Hữu Tài trong phim Sự tích quả roi thuộc sêri Cổ tích VN của Phương Nam phim, và được nghệ sĩ Hoài Linh kết nạp vào nhóm hài đi diễn nhiều nơi, song, bước ngoặt lớn nhất trong giai đoạn này của Hòa Hiệp chính là việc được về sân khấu Kịch Phú Nhuận và được đóng vai chính đầu tiên - vai hoàng tử - trong vở Nàng Út ống tre (ĐD Chánh Trực). Lần đầu tiên thấy con trai đóng vai chính, lại làm hoàng tử đẹp trai, mẹ anh mỉm cười gật đầu: “Con có tiến bộ”. Nhưng với công chúng, phải đến hai vở liên tiếp Em là ngôi sao và Chuyện tình mùa thu, cái tên Hòa Hiệp mới thực sự nổi lên như một ngôi sao. Trong Em là ngôi sao (ĐD Đức Thịnh), Hòa Hiệp lần đầu có một vai mang số phận cay nghiệt. Nhân vật Hoàng Bảo Bình của anh là người em biết hy sinh, tình nguyện đi tù thay anh để anh giữ được hình tượng ngôi sao trong lòng công chúng. Ở vở Chuyện tình mùa thu (tức Sân khấu cuộc đời của Sĩ Hanh), Hòa Hiệp còn gây “sốc” hơn nữa cho người xem khi anh diễn xuất sắc vai bác sĩ Khương Hải, một trí thức đẹp trai, tài giỏi nhưng chọn cách sống ích kỷ, tư lợi, làm tổn thương một lúc hai người phụ nữ hương sắc của đời mình. Phải đến hai vai này, Hòa Hiệp mới mời được cha anh đi coi. Sự nghiệp thăng tiến dần, từ những thành công trên sàn diễn, Hòa Hiệp trở thành gương mặt quen thuộc trong phim truyền hình, trên màn ảnh nhỏ với vai trò MC trong nhiều chương trình như Ngày Chủ nhật của em, Vui cùng Hugo, Chinh phục thời gian… cũng như lấn sân khá thành công trong vai trò diễn viên đi hát, đơn ca cũng như trong tam ca điện ảnh với Lương Thế Thành và Nguyễn Lê Bá Thắng. Anh từng đoạt giải Mai Vàng năm 2008 (vai Thắng trong vở Nước mắt người điên), giải HTV Award nam diễn viên sân khấu và giải Nghệ sĩ thân thiện HTV Award 2010.
Chứng kiến con trai có được những thành công trong nghệ thuật, và tuy rất vui, hãnh diện với họ hàng, bạn bè nhưng cha mẹ Hòa Hiệp vẫn không ngừng lo lắng cho tương lai bấp bênh của một người làm nghệ thuật. Anh luôn được nhắc nhở rằng, tài phải đi đôi với đức và phải có một nghề ổn định song song để… phòng thân. Suy đi nghĩ lại cũng không có “nghề” nào thuận lợi hơn là tận dụng diện tích đất rộng rãi của gia đình, gần khu chế xuất Tân Thuận để xây phòng cho công nhân và sinh viên thuê. Hòa Hiệp nói, cha mẹ dạy anh “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nên làm bao nhiêu tiền, anh không tiêu tốn vào việc sắm sửa đồ hiệu hoặc ăn chơi mà đầu tư lo kinh tế cho gia đình. Hơn 30 căn phòng vừa hoàn thành bắt đầu đưa vào hoạt động trong năm nay của cậu con trai cưng đã phần nào làm cho cha mẹ anh yên lòng.
Hòa Hiệp tâm sự, trước kia, cứ nghĩ con đường nghệ thuật đầy màu hồng, nhưng có đi qua rồi mới biết nó không như mình nghĩ. Còn nó là màu gì thì còn tùy vào từng người. Có người gặp ngay màu đỏ (màu may mắn), nhưng nếu không biết giữ nó sẽ nhanh chóng chuyển sang màu xám. Tự nhận chưa phải trải qua màu tối, anh chọn cho mình màu xanh da trời, màu của hy vọng. Hòa Hiệp nói, màu của anh là màu của sự cố gắng, sự bền bỉ, của chua cay lẫn ngọt nồng.
Nhà có bốn chị em, Hòa Hiệp là con thứ ba và là con trai duy nhất nên lúc nào cũng là “ngôi sao” trong nhà. Cha anh làm tài xế, thường chở đội bóng đá Cảng Sài Gòn đi thi đấu khắp nơi và hằng năm chở công nhân viên chức của Cảng đi nghỉ mát ở Nha Trang, Đà Lạt. Vào thời điểm không bận học, anh đều được cha cho đi theo trong những chuyến đi đó. Về đến Cảng, khi khách xuống hết, hai cha con cùng nhau rửa xe, đi ăn rồi mới về nhà. Đó là những kỷ niệm tuổi nhỏ anh không bao giờ quên. Mẹ anh là nhân viên phòng hành chính, công việc ở sở làm bận tám tiếng nhưng là người chăm lo việc ăn uống cho cả nhà và đảm nhận việc đưa đón con trai từ mẫu giáo cho đến hết lớp 12.
Bây giờ, cha mẹ anh đều đã nghỉ hưu và đang phải chống chọi với bệnh tật của tuổi tác. Các chị đã ở riêng, trụ cột gia đình giờ đây thuộc về con trai “cưng” Hòa Hiệp. Không thích trở thành “hot boy” bằng những chiêu trò “scandal”, dù cũng đã từng nghe không ít lời xúi giục, nên Hòa Hiệp phải nỗ lực cày bừa trên cánh đồng nghệ thuật chân chính, ít tiền, ít tiếng tăm để làm chỗ dựa kinh tế cho gia đình. Anh dường như không còn thời gian để lo cho bản thân nên chưa dám nghĩ đến chuyện lo thêm cho một ai đó muốn gắn bó với mình. Anh nói, tình yêu với anh, sau vài mối tình bị đổ vỡ, đến bây giờ thì… tùy duyên.
Anh cho biết, những chuyến đi từ thiện đã giúp anh trưởng thành hơn trong cách nghĩ, thấy mình may mắn vì có được nhiều thứ và nhất là được sống có ích cho đời. Kiếm được món tiền nào anh cũng nhín ra một ít góp vào “Quỹ Hòa Hiệp và những người bạn” để đến giúp đỡ những người bất hạnh hơn ở các mái ấm, nhà mở, nhà dưỡng lão… Anh xem đó như một cách trả ơn những gì mà đời đã ban cho bên cạnh chữ hiếu dành cho gia đình. Với Hòa Hiệp, những giây phút cả nhà sum họp vui vẻ bên nhau trong bữa cơm gia đình khiến anh quên hết sự mệt nhọc. Anh trân trọng từng thời khắc đó, bởi nếu một mai, lỡ bị người đời quay lưng, gia đình vẫn là nơi cuối cùng yên bình để tìm về.
Cát Vũ
Nguồn: phunuonline.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét