Tình yêu khoa học vun đắp tình cảm thân thiết giữa giáo sư Jack Steinberger, người đoạt giải Nobel Vật lý năm 1988, với giáo sư Trần Thanh Vân và đất nước Việt Nam, thôi thúc ông gửi thư đến Tổng thống Mỹ đề nghị xóa bỏ lệnh cấm vận.
>>> Diễn đàn học thuật đỉnh cao chưa từng thấy tại Châu Á
Trong khuôn khổ Tuần lễ khoa học "Gặp gỡ Việt Nam" lần thứ 9 diễn ra tại Bình Định, ông Jack Steinberger, 92 tuổi, đã đi "nửa vòng trái đất" đến Việt Nam tham dự sự kiện này. Trong số 5 nhà Vật lý đoạt giải Nobel đến TP Quy Nhơn, giáo sư Jack Steinberger là người lớn tuổi nhất.
Giáo sư Jack Steinberger (phải), người đoạt giải Nobel Vật lý năm 1988 trò chuyện với giáo sư Lê Kim Ngọc, phu nhân giáo sư Trần Thanh Vân ở Trung tâm khoa học quốc tế và giáo dục liên ngành, TP Quy Nhơn. (Ảnh: Trí Tín)
Ông được trao giải Nobel Vật lý năm 1988 với công trình “Phương pháp chùm neutrino và chứng minh về cấu trúc bộ đôi (doublet) của các lepton thông qua phát minh neutrino muon” tại Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN).
Năm 1934, ông đến New York, theo học Trường trung cao Trier Township rồi học 2 năm ngành hóa ở Viện Công nghệ Armuour (nay là Viện Công nghệ Illinois). Năm 1942, tốt nghiệp Đại học Chicago ngành hóa, Jack Steinberger nhập ngũ và được gửi đến phòng thí nghiệm phóng xạ của MIT sau một khóa đào tạo đặc biệt về lý thuyết sóng điện từ do quân đội Mỹ tổ chức.
Sau Chiến tranh thế giới thứ II, trở về Đại học Chicago, được làm việc bên cạnh các nhà khoa học bậc thầy như Enrrico Fermi, W. Zachariasen, Edward Teller, Gregor Wentzel, ông khám phá muon (một dạng hạt sơ cấp) của tia vũ trụ. Kết quả nghiên cứu của ông tạo cơ sở thực nghiệm cho khái niệm tương tác yếu.
Năm 1968, GS Vân tình cờ gặp Jack Steinberger khi tham dự hội nghị khoa học tổ chức tại Pháp. Từ đó đến nay, cả hai trở nên đôi bạn thân thiết, thường xuyên gặp nhau trong những lần dự hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế.
Năm 1993, trong lúc Mỹ còn tìm cách cấm vận, việc đi lại của công dân Mỹ, nhất là nhà khoa học đạt giải Nobel Vật Lý như GS Jack Steinberger đến Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn. "Lúc đó đến Việt Nam, tôi phải tốn rất nhiều thời gian với vô số thủ tục hành chính khắt khe, qua nhiều cửa kiểm soát chặt về thủ tục xuất cảnh, cuối cùng tháng 12/1993 tôi cũng lên được máy bay đến Việt Nam dự Tuần lễ khoa học "Gặp gỡ Việt Nam" lần thứ 1 do vợ chồng GS Trần Thanh Vân tổ chức", GS Jack Steinberger kể.
Lúc ấy, giới nghiên cứu Việt Nam thật sự xúc động, cảm kích vì tình yêu khoa học vô bờ của ông. "Lúc còn ở Hà Nội, Jack đưa bức thư đề nghị Tổng thống Mỹ xóa bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam cho tôi xem", GS Vân nhớ lại.
Trung tâm khoa học quốc tế và giáo dục liên ngành (ICISE) ở TP Quy Nhơn do hai vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân quyên góp tiền xây dựng. Đây là "điểm hẹn" lý tưởng của các nhà khoa học quốc tế với giới nghiên cứu Việt Nam. (Ảnh: Trí Tín)
Thưở ấy, Jack Steinberger khiêm tốn bảo rằng: "Tôi viết thư đề nghị vậy thôi chứ Tổng thống Mỹ Bill Clinton có thời gian đâu để đọc. Chắc số phận lá thư rồi cũng vào sọt rác".
Chỉ sau đó ít lâu, tháng 2/1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã quyết định xóa bỏ lệnh cấm vận Việt Nam. Tình cảm giữa vợ chồng GS Vân và GS Jack Steinberger càng trở nên mật thiết.
Tròn 20 năm lần đầu tiên đến Việt Nam, GS Jack Steinberger trở lại dự Tuần lễ khoa học "Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9" ở TP Quy Nhơn, ông bất ngờ trước những đổi thay kỳ diệu trên khắp các đường phố, làng quê, khu đô thị sầm uất.
Jack Steinberger chia sẻ rằng ông trở lại Việt Nam lần này, trước hết là ủng hộ vợ chồng giáo sư Vân với những gì họ đã và đang làm cho nền khoa học và giáo dục Việt Nam. Mặt khác ông cảm thấy mình có lỗi vì những gì mà nước Mỹ đã gây ra cho người dân nơi đây trong những năm tháng chiến tranh. Ông hy vọng, trong lần trở lại lần này làm điều đó góp phần xoa dịu nỗi đau, mất mát mà Việt Nam đã gánh chịu.
Ông cũng nói rằng chính tình yêu khoa học đã giúp ông xích lại gần với giáo sư Vân, thôi thúc ông làm điều gì đó để kết nối tình hữu nghị giữa Mỹ và Việt Nam.
"Chiến tranh đã để lại bao đau thương, mất mát, đã đến lúc chúng ta khép lại quá khứ, hướng đến tương lai. Việt Nam chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, tôi tin rằng trong tương lai gần nếu đất nước các bạn quan tâm, ưu tiên đầu tư nghiên cứu khoa học, công nghệ, các bạn sẽ hái quả ngọt trong tương lai gần", ông Jack Steinberger khẳng định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét