Theo kết quả một công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí Tài liệu Nghiên cứu Môi trường (ERLs) số ra ngày 14/8, mặc dù lượng khí thải nhà kính điôxít carbon (C02) hiện nay nhiều hay ít thì cũng đã quá muộn để con người có thể ngăn chặn nguy cơ biến đổi khí hậu gây ra nhiều hơn các luồng sóng nhiệt cực đoan trong 30 năm tới.
Biến đổi khí hậu được xem là nguyên nhân gây ra các luồng sóng nhiệt cực đoan khiến nhiệt độ tăng cao trong hơn 50 năm qua, đẩy nền nhiệt toàn cầu tăng thêm khoảng 0,5 độ C. Hiện tượng này được dự báo là sẽ trở nên khắc nghiệt hơn và xảy ra thường xuyên hơn trong thế kỷ 21.
Dựa vào biểu đồ phân tích khí hậu, nghiên cứu trên dự đoán rằng các luồng sóng nhiệt cực đoan từng tác động tới Mỹ năm 2012 và Australia năm 2009, sẽ tiếp tục tác động tới khoảng 10% diện tích mặt đất của Trái Đất tính đến năm 2020. Con số này cao gấp đôi so với hiện nay và có thể gấp 4 lần nếu tính đến năm 2040.
Sương mù bao phủ thành phố Hefei, tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo nghiên cứu trên, cùng thời điểm, một số sự kiện thời tiết cực đoan sẽ đồng thời xuất hiện như hiện tượng sóng nhiệt có độ lệch chuẩn 5 sigma (tức khả năng xảy ra vào khoảng 84%). Đến năm 2040, hiện tượng này sẽ bao phủ khoảng 3% diện tích mặt đất của Trái Đất.
Các nhà nghiên cứu miêu tả hiện tượng 5 sigma này là những luồng sóng nhiệt chưa từng có và có mức độ cực đoan tương tự hiện tượng sóng nhiệt có độ lệch chuẩn 3 sigma (khả năng xảy ra xấp xỉ 50%).
Viện Vật lý - nơi xuất bản tạp chí ERLs - cho biết trong nửa đầu thế kỷ 21, những dự báo trên sẽ xảy ra bất chấp lượng khí CO2 thải ra bầu khí quyển ít đi.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng khẳng định kịch bản xảy ra sau năm 2040 vẫn có thể thay đổi, và sự thay đổi đó phụ thuộc vào những biện pháp giảm khí nhà kính ngày nay.
Nếu lượng CO2 phát thải thấp, tần số xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ ổn định đến năm 2040, ngược lại nếu lượng CO2 cao thì diện tích phần đất liền bị ảnh hưởng sẽ tăng thêm 1% mỗi năm cho đến khi các luồng sóng nhiệt 3 sigma tác động tới 85% diện tích mặt đất toàn cầu tính đến năm 2100.
Trong lúc này, hiện tượng sóng nhiệt có độ lệch chuẩn 5 sigma sẽ ảnh hưởng tới 60% diện tích mặt đất.
Các nước thành viên Liên hợp quốc đã thông qua chiến lược nhằm hạn chế hiện tượng ấm lên toàn cầu, và đang xúc tiến đàm phán về một hiệp định "hậu Kyoto" để có thể ký kết trong năm 2015 và có hiệu lực vào năm 2020.
Theo các nhà khoa học, việc thực hiện các thỏa thuận hạn chế lượng khí thải C02 khá chậm chạp và lượng khí gây hiệu ứng nhà kính này liên tục tăng cao mỗi năm, được cho là nguyên nhân khiến nhiệt độ bề mặt Trái Đất có thể tăng thêm 3-4 độ C vào cuối thế kỷ này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét