Trao đổi với VnExpress.net, giáo sư Trần Thanh Vân, người sáng lập Hội Khoa học "Gặp gỡ Việt Nam" cho biết, giáo sư Klitzing (sinh năm 1943), nhà vật lý người Đức được trao Giải Nobel năm 1985 cho công trình phát hiện Hiệu ứng Hall lượng tử, là người đầu tiên trong năm nhà khoa học đạt giải Nobel đến Việt Nam tham dự sự kiện lần này.
Dự kiến ngày 5/8, Klitzing chủ trì hội nghị Vật lý Nano và ông sẽ có hai bài diễn thuyết về Hiệu ứng Hall lượng tử và khoa học Nano.
Giáo sư Klaus von Klitzing, nhà vật lý người Đức đạt giải Nobel 1985, là một trong 5 nhà khoa học đạt giải Nobel đến Bình Định. Ảnh: Counter Currents. |
Năm 19 tuổi, ông Klitzing vào học vật lý ở trường Đại học Công nghệ Braunschweig và nhận bằng tốt nghiệp năm 1969. Sau đó ông không ngừng học tập, nghiên cứu ở Đại học Wurzburg. Năm 1972 ông hoàn thành luận án tiến sĩ. Klitzing làm việc ở phòng thí nghiệm từ trường Grenoble cho tới khi trở thành giáo sư của Đại học Kỹ thuật Munchen năm 1980. Từ 1985, ông là giám đốc Viện Nghiên cứu chất rắn Max Planck (Stuttgart). Trong khoa học vật lý, hằng số von Klitzing được đặt theo tên ông nhằm vinh danh công trình phát hiện hiệu ứng Hall.
Ngày nay, nghiên cứu của Klitzing tập trung vào đặc tính hệ thống điện tử kích thước thấp, điển hình trong các nhiệt độ thấp và trong các từ trường cao. Trong tuần khoa học "Gặp gỡ Việt Nam", cùng với giáo sư Seldon Glashow, Klitzing là diễn giả chính ở phiên khai mạc hội thảo “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ” vào ngày 12/8. Đây là buổi diễn thuyết về vai trò quan trọng của khoa học cơ bản trong việc tạo ra những bước tiến đột phá trong công nghệ, mang lại lợi ích khổng lồ cho loài người.
Giáo sư Trần Thanh Vân cho biết thêm, tại lễ khánh thành trung tâm ICISE, nhà bác học Rolf Heuer, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) và giáo sư Jean-Loup Puget, giám đốc Chương trình nghiên cứu Planck trình bày những kết quả đặc sắc nhất về vật lý hạt và vật lý thiên văn trong năm vừa qua. Tất cả các nhà khoa học nghiên cứu vật lý hạt quốc tế đều đến đây nghiên cứu những thử nghiệm với máy gia tốc hạt lớn và hiện đại nhất thế giới.
Theo kế hoạch ban đầu, có 7 nhà khoa học đạt giải Nobel đến tham dự sự kiện "Gặp gỡ Việt Nam" lần thứ 9 tại Bình Định. Tuy nhiên, hai nhà khoa học Carlo Rubbia (người Italy, Nobel 1984) và Jerome I. Friedman (người Mỹ gốc Nga, Nobel 1990) đã không thể có mặt vì lý do sức khỏe.
Do vậy có 5 nhà khoa học đạt giải Nobel gồm các giáo sư người Mỹ là Jack Steinberger (Nobel Vật lý năm 1988), David Gross (Nobel Vật lý năm 2004), Georges Smoot (Nobel Vật lý năm 2006), Sheldon Glashow (Nobel Vật lý năm 1979), Klaus von Klitzing người Đức (Nobel Vật lý năm 1985). Ngoài ra có giáo sư Rolf Heuer, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN), nơi đã khám phá ra hạt boson Higgs và GS Ngô Bảo Châu, người đạt giải thưởng Fields - được xem là giải "Nobel Toán học" năm 2010, cũng tham gia sự kiện lần này.
Dự kiến trong tuần tới, những nhà khoa học danh tiếng này sẽ hội tụ đông đủ tại thành phố Quy Nhơn.
Trí Tín
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét